Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

ĐÁM CƯỚI 2 MIỀN


(Bài này là ăn theo Hà Nội - Sài Gòn của Mr Thụy. Em viết xong từ hôm đi công tác zìa, nhưng mà thấy chưa hay nên chưa pót. Giờ đưa lên coi như hưởng ứng lời kêu gọi bổ sung của bác Thụy, hihi)

Lần đầu tiên được dự 1 đám cưới tại Sài Gòn, em quả thật có nhiều điều ngạc nhiên bất ngờ, xin được chia sẻ với cả nhà.
Đầu tiên phải kể đến vụ đãi tiệc. Nếu ngoài Bắc, khách khứa đến dự, sẽ được chủ nhà gom lại ngồi dồn thành từng mâm 6 người. Cỗ - ngay lập tức được dọn ra, bà con đánh chén, tự chúc tụng nhau… Đến khi xong xuôi đứng dậy, có khi vẫn chưa được chiêm ngưỡng dung nhan cô dâu, chú rể. Kiểu này làm cho em có suy nghĩ ngoài mình đi ăn tiệc cưới như đi chợ, như cho hoàn thành nhiệm vụ vậy.
Miền Nam không vậy. Thiệp mời ghi 6h, 7h kém 15, các bàn tiệc vẫn lác đác người, chủ yếu toàn người nhà. Bia, nước ngọt, nước suối được rót ra, chủ yếu là để khách khứa có cái nhâm nhi và chờ đợi. 7h30, khi các bàn tiệc đã tương đối đầy đủ, hôn lễ mới được chính thức bắt đầu. Khởi động là 1 tiết mục múa trên nền nhạc Bức thư tình đầu tiên, rồi đến pháo bóng, pháo trang kim, cắt bánh, rót rượu…(khâu nghi lễ này cũng không khác biệt mấy so với ngoài Bắc). Thành thực mà nói, về khoản này miền Nam tổ chức chuyên nghiệp hơn miền Bắc rất nhiều, khách đến dự được chiêm ngưỡng toàn bộ phần lễ rồi sau đó mới ăn tiệc. Thế nhưng, đến giờ đó, khách khứa đã đói hoa cả mắt, sự theo dõi hôn lễ hình như cũng không còn được nhiệt tình cho lắm…
Giờ là đến tiết mục ăn. Menu đọc đã thấy hấp dẫn. Khác với miền Bắc là các món được dọn ra cùng một lúc, thậm chí được bày sẵn ngay từ đầu, trong này thực đơn được dọn ra từng món một. Phục vụ của nhà hàng sẽ chia phần luôn cho từng người trong bàn tiệc, mỗi người một đĩa, ai cũng có phần. Nghe chừng rất văn minh nhưng có vẻ không ổn. Trong một mâm, có người ăn ít, có kẻ ăn nhiều. Kết quả là, có người không động đến phần của mình nhưng có người muốn ăn thêm thì không được. Thật là khó xử…
Không thể không nhắc đến tiết mục đổi đĩa của nhà hàng. Đĩa này là đĩa ăn của mỗi người. Cứ món mới dọn ra lại đổi đĩa một lần. Thật là phiền phức. Có người chưa ăn xong phần của mình thì đĩa đã bị dọn đi. Cứ đổi đi đổi lại như vậy thật là mất thời gian. Kết quả là buổi tiệc được kết thúc vào lúc 10h kém, hic hic. Chưa bao giờ em dự một cái đám cưới nào lâu như vậy….
Còn những chuyện khác biệt khác như chuyện mẹ chồng đi đón dâu, mẹ vợ theo tiễn con gái về nhà chồng, rồi thủ tục phát biểu, xin dâu… Chắc tại em dân miền Bắc, quen nếp rồi, vào dự cái đám cưới này quả thật là được mở mang đầu óc.
Tóm lại, từ hôm đi đám cưới về, em cứ ấm ức mãi nên mới viết entry này giải tỏa. Nhưng ngẫm cho cùng, điều đó cũng thật tự nhiên. Văn hóa mỗi miền mà!!!

(Ảnh:Duy Anh Photograper)

6 nhận xét:

  1. Entry về văn hóa tiệc cưới, rất hay, vì mỗi vùng miền lại khác nhau.
    Giá như có thêm mấy ẻn về chuyện giống và khác trong gặp gỡ, mai mối, yêu nhau, thủ tục dạm ngõ, đám hỏi... Nam - Bắc nữa thì thành series phóng sự đầy đủ và có giá trị lắm đây :)

    Trả lờiXóa
  2. hehe, nếu thế thì để em xin đi biệt phái chi nhánh khoảng 2 tháng, chắc là sẽ có 1 series đầy đủ chị à.

    Trả lờiXóa
  3. (suy nghĩ) liệu 2 tháng có đủ để sét đánh đến tiệc chưa nhỉ???
    :)

    Trả lờiXóa
  4. @Nadia:
    Đám cưới ngoài Bắc giờ cũng chờ xong phần lễ mới tới phần ăn từ lâu rồi. Người Bắc được cái đúng giờ, không cao su như người Nam.

    Trả lờiXóa
  5. Vụ đám cưới Saigon, trước khi đi ăn cưới, nên làm tô phở hoặc cái banh mì hoặc cái bắp ngô... nếu không là đói mờ mắt đấy.

    Nói thật là nếu rảnh thời gian, và sau khi đã được nạp tô phở, lại đi với môt người bạn ý hợp tâm đầu thì đi ăn cưới Sai gòn vui phết đấy. Hì hì!

    Trả lờiXóa
  6. VMC: Ố, thế hả anh? Hay tại lâu em không được đi đám cưới miền Bắc nên lạc hậu mất roài, hic!

    Trả lờiXóa