Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

LÀM DÂU 3


Cuốn sổ hộ tịch

Sổ hộ tịch là gọi theo cách của các cụ, còn giờ thì toàn gọi là sổ hộ khẩu. Đặt cái tiêu đề vậy, nghe cho văn vẻ.


Hôm đó, cô 2 về nhà sau một ngày mệt nhoài vì công việc. Dựng chiếc xe ngoài sân, đóng cổng, cô tiến bước về phía nhà bố mẹ chồng. Hai nhà riêng biệt nhưng chung một khoảng sân, một cánh cổng nên bao giờ cô cũng ghé lên chào ông bà trước khi đi, về.

Mới bước được một bậc thềm, chưa kịp nhìn quanh, bố chồng đã xuất hiện thình lình trước mặt cô. Ông cụ ve vẩy 1 tập bìa cứng, nét mặt rất hả hê, vui sướng…

- Con chào bố, con mới về
- Ờ, này nhá, nhà anh đã có hộ khẩu rồi đấy. Mất bao công sức đấy, không phải đơn giản đâu!
- Vâng, thế tốt quá còn gì…

Buông một câu cụt lủn, không hỏi gì thêm, cô quay bước đi về. Bố chồng hình như hơi ngạc nhiên, chưng hửng về thái độ của cô. Chắc cụ nghĩ cô sẽ phải vồ lấy cuốn sổ đó để xem, để thốt lên thèm muốn và ghen tị!!!??? Không thể nào và không bao giờ!

Trong suy nghĩ của cô, chưa bao giờ xuất hiện ý định chuyển hộ khẩu về nhà chồng. Ngay từ khi mới bàn bạc chuyện kết hôn, cô đã nói rõ với anh. Rằng cô sẽ giữ nguyên hộ khẩu ở nhà mình và sau này khi họ có con thì chúng sẽ đăng ký hộ khẩu theo mẹ.

Vì sao à? Đơn giản thôi. Gia đình cô ở ngay tại 1 quận trung tâm bậc nhất của Thành phố, thường người ta vẫn hay gọi đùa là “ngay rốn con rùa”. Gia đình anh thì không. Và đương nhiên, chuyện học hành của trẻ con có hộ khẩu tại những khu vực này chắc chắn sẽ đảm bảo hơn những vùng lân cận khác.
Cô sinh ra, lớn lên và hưởng thụ môi trường giáo dục tại đây. Vậy nên cô cũng mong muốn con cái mình như thế. Chẳng có lý do gì để cô phải chuyển hộ khẩu của mình và của con trong tương lai về một nơi mà cô biết chắc chắn rằng không thể tốt hơn.

Lý lẽ của cô có thể thuyết phục được chồng nhưng không bố chồng thì không. Ông không chấp nhận những suy nghĩ đó. Với ông, đại gia đình phải là một quần thể thống nhất trên mọi phương diện. Không loại trừ trường hợp nào, bất kể lý do nào. Với ông, học ở đâu và học trường nào cũng như nhau.

Cũng với suy nghĩ đó, trước khi kết hôn, ông đã buộc chồng cô phải chuyển đổi hộ khẩu về cùng ông. Hộ khẩu của anh vốn dĩ được đăng ký ở một quận trung tâm, giờ phải chuyển về một quận được coi là sinh sau đẻ muộn, lac hậu hơn rất nhiều. Đầu tiên anh cũng phản đối, vì nhiều lý do nhưng tối hậu thư ông đưa ra là: “Không chuyển, không cưới”!

Chồng cô thì nhượng bộ nhưng cô thì không. Cô chưa bao giờ chấp nhận nổi ý nghĩ tương lai con cái mình sẽ phải theo học ở nơi môi trường, điều kiện giáo dục mà cô cho là kém.

Có người bảo cô thật dại, không chuyển đổi hộ khẩu đồng nghĩa với việc cô không có phần trong gia đình ấy. Rồi còn chuyện đất cat, thừa kế, gia sản… Thật lạ là cô lại chẳng mảy may suy nghĩ gì về chuyện đấy. Với cô, “tương lai con em chúng ta” phải đặt cao hơn những tính toán kia. Cô đã quyết như vậy rồi!

Thế nên, cuốn sổ hộ khẩu kia chẳng làm cô mảy may xúc động. Và cô cũng chả thể tỏ ra hồ hởi, vui mừng như mong muốn của ông cụ. Cô có cái lý của mình và luôn luôn hạnh phúc với nó!

Thật là, con dâu những năm 2000!...

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

LÀM DÂU 2

Cô cả

Cô 2 đoán đúng. Mọi ánh nhìn không còn hướng về phía cô nữa, mà về phía cô cả. Vì cô cả là dâu mới, là dâu trưởng. Cô cả lại ít hơn cô 2 mấy tuổi. Khổ thân cho những ai bị “dòm”…
Cô dâu, chú rể không hợp tuổi. Thế nên phải đón dâu 2 lần. Lần đầu là hôm đám hỏi.
Sau khi kết thúc mọi thủ tục, nhà trai sẽ đón cô dâu tương lai về cùng luôn. Ngủ lại một đêm, sáng sau lại về nhà, đợi đến hôm cưới mới là đón dâu chính thức. Chuyện duy tâm này để tránh những điều không hay, nhưng nghe chừng rất nặng nề, mọi người cứ thấy có gì đó gợn gợn.
Vào bếp bắt tay dọn dẹp đống bát đũa đang chờ, cô 2 giật mình khi nhìn thấy cô cả đang ngồi thụp phía dưới bàn bếp.
- Bác sao thế?
- Tôi lo
- Lo gì?
- Không biết tối nay sẽ thế nào?!
- Zời ạ, tối nay mới phải ngủ với mẹ chồng thôi, chưa được ngủ với chồng đâu.
- ...
Cô cả không nói gì, nhìn cười mà như mếu. Chắc là phải ngủ với mẹ chồng, nên mới lo đây – cô 2 nghĩ thầm.
Đám hỏi xong, thoáng cái đã đến đám cưới. Không hiểu có phải do vui mừng vì sắp có người “thế chân” hay không, mà cô 2 rất cao hứng. Vợ chồng cô sắm cho anh chị đủ thứ, tủ quần áo, chăn ga, hoa cưới…Và đảm nhận bao nhiêu việc khác nữa. Quả thật, đám cưới người khác mà mệt hơn cả đám cưới mình. Cô 2 nghĩ, có thêm chị dâu, bầu trời tự do của cô thêm rộng mở, .
Cô cả hình như hiền lành hơn cô 2 thì phải. Hành trang cô mang theo khi lấy chồng, chắc hẳn chỉ có tình yêu. Không như cô 2, cô chả phải lo nghĩ gì nhiều. Ăn chung, ở chung với bố mẹ. Không phải thay đổi gì, cũng chẳng phải sắm sửa thêm. Mọi việc trong nhà, tính nết từng người, cô 2 đã truyền đạt lại tất cho cô cả. Bố chồng khó tính, mẹ chồng thích tình cảm, vợ chồng cô 2 thì đi suốt, lại chỉ ăn chung một bữa tối. Hai vợ chồng cô cũng không có điều kiện về kinh tế, vậy nên mọi việc cứ nếp cũ mà theo…
Cô cả nhìn không vui, chả phải cô buồn gì mà là do nét mặt cô như vậy. Lúc nào nhìn cô cũng như đang có tâm trạng. Cô vốn ít nói, lấy chồng xong lại mất việc ở nhà, thế nên lại càng hiếm thấy cô mở lời. Hai chị em dâu dù vẫn ăn cơm tối chung nhưng cũng chẳng mấy khi tâm sự chuyện trò.
Một cách công bằng mà nói, ban đầu 2 cô chẳng ưa nhau. Không phải ghét nhé, chỉ là không ưa thôi. Chẳng vì chuyện gì, chẳng có lý do gì. Cả 2 cô đều không thể ngờ, đến một ngày, mọi sự lại đổi thay…!

LÀM DÂU 1



Lâu rồi không viết lách gì, lý do chủ yếu là công việc, cảm xúc có vẻ khô cằn. Sau buổi off trưa qua, em lại muốn tiếp tục là 1 blogger, … Câu chuyện này chỉ là những góp nhặt, suy nghĩ đơn giản của em về cuộc sống. Có thể đó là em, có thể không phải em. Chỉ mong là nó sẽ hữu ích với mọi người!


Cô 2

Thế là cô về làm dâu nhà anh. Họ lấy nhau sau khoảng gần 1 năm quen biết, yêu thương. Hãy gọi cô là cô 2 vì anh là con thứ trong một gia đình 2 con trai.
Khi còn yêu, anh đã nhiều lần tâm sự với cô. Rằng làm dâu nhà anh cô sẽ được sung sướng. Vì mẹ anh rất thèm con gái, bà thích có người tâm sự, rủ rỉ. Bà là người tình cảm nhưng phải sống quá lâu giữa 3 người đàn ông khô cứng. Bà đã lo toan cho cả gia đình bao nhiêu năm. Giờ có người gánh vác cùng bà sẽ thực sự vui mừng, hạnh phúc. Và còn biết bao điều khác nữa…

Cô không muốn thế. Cô muốn 2 vợ chồng được ở riêng. Nghĩ đến cảnh một ngày nào đó mình cũng hát vang bài ca mẹ chồng như những đồng nghiệp trong văn phòng, cô thấy nản. Không phải cô ngại làm việc nhà, cũng chả phải cô không thể nấu ăn. Sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc, bố là trưởng họ, cô đã được mẹ chỉ dạy mọi điều. Việc nội trợ với cô là lẽ đương nhiên. Nhưng hình như khi chung sống, thế thôi chưa đủ.

Với cá tính của mình, cô muốn được tự do. Anh thì đồng ý dù không thật sự cảm thấy thoải mái. Nhưng gia đình anh thì không. Bố mẹ anh muốn cô dâu mới sống chung với cả gia đình. Ông bà mong muốn có 1 đại gia đình quần tụ, ấm cúng. Ông bà không thể chấp nhận việc con trai ra ở riêng.

Bài toán đưa ra thật khó giải. Ở giữa, chồng tương lai của cô là đau đầu nhất. Không ai chịu nhượng bộ. Cô yêu anh nhưng hình như nơi cô lý trí vẫn mạnh hơn thì phải. Nếu điều kiện đó của cô không thể đáp ứng thì không hiểu sự việc sẽ đi đến đâu… Cũng may, khi mọi chuyện đang rối bời thì 1 sáng kiến được đưa ra. Đôi vợ chồng trẻ sẽ ở riêng tại ngôi nhà cũ của gia đình trong cùng khoảng sân 200m. Trước mắt thì cứ lên ăn chung với các cụ đã, lâu dài tính sau.

Ngôi nhà 2 tầng còn giữ lại đã thật sự cũ kỹ. Muốn ở được, đương nhiên phải sửa chữa. Cộng với chi phí cho đám cưới mà 2 đứa phải tự lo, đó là 1 khoản tiền đáng kể. Nhưng không sao, tự do thường đắt giá mà. Cô nhủ thầm và vui sướng chuẩn bị, sắm sửa cho tổ ấm riêng của mình.

Cuộc sống chung thật không đơn giản. Ngay cả khi chỉ là một bữa tối ăn chung. Bố chồng cô là người khó tính. Ông nghỉ mất sức đã nhiều năm nên không thể hiểu cho hoàn cảnh và công việc của những đứa con. Bữa cơm tối là phải đủ mặt, không thiếu một ai. Không thể có chuyện người ăn trước, người ăn sau. Đặc biệt là không thể thiếu ông. Nếu ông chưa về, cho dù đã muộn, nếu không muốn ông dỗi, tất cả phải ngồi chờ…

Công việc bận rộn, thời gian biểu không cố định lại cộng thêm cái bệnh đau dạ dày khiến cho cô 2 mãi không thể quen được với bữa tối ở nhà chồng. Chuyện kiếm cớ về nhà ngoại, đi sinh nhật bạn…xảy ra như cơm bữa. Hai vợ chồng son tranh thủ đi chơi, xem phim, đi ăn hàng…Thôi thì cũng phải tìm cách thích nghi chứ sao. Cái kiểu riêng mà chung, chung mà riêng thế này, dù không thật sự như mong muốn của cô nhưng khiến khối người mong ước rồi.

Còn bao nhiêu chuyện khác nữa. Từ chuyện ngủ nướng ngày nghỉ của 2 vợ chồng, đến chuyện mua sắm đồ dùng cho tổ ấm riêng… Hai thế hệ khác nhau, hai quan niệm khác nhau. Hình như, tìm một tiếng nói chung là rất khó. Nhưng dù sao, cô 2 vẫn luôn cố gắng thu xếp mọi chuyện, thay đổi một số thói quen, cách nghĩ của mình. Vì tóm lại, dù gì thì cô đã có chồng. Cô là một cô con dâu!

Một năm trôi qua rất nhanh. Gia đình cô lại chuẩn bị cho một đám cưới nữa. Anh chồng lấy vợ. Một mặt mừng cho anh, một mặt cô cũng vui thầm vì từ nay nhà sẽ có 2 cô con dâu. Mọi chuyện chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn, mọi ánh nhìn sẽ không chỉ còn hướng về phía cô…!

(Còn tiếp)