
Cuốn sổ hộ tịch
Sổ hộ tịch là gọi theo cách của các cụ, còn giờ thì toàn gọi là sổ hộ khẩu. Đặt cái tiêu đề vậy, nghe cho văn vẻ.
…
Hôm đó, cô 2 về nhà sau một ngày mệt nhoài vì công việc. Dựng chiếc xe ngoài sân, đóng cổng, cô tiến bước về phía nhà bố mẹ chồng. Hai nhà riêng biệt nhưng chung một khoảng sân, một cánh cổng nên bao giờ cô cũng ghé lên chào ông bà trước khi đi, về.
Mới bước được một bậc thềm, chưa kịp nhìn quanh, bố chồng đã xuất hiện thình lình trước mặt cô. Ông cụ ve vẩy 1 tập bìa cứng, nét mặt rất hả hê, vui sướng…
- Con chào bố, con mới về
- Ờ, này nhá, nhà anh đã có hộ khẩu rồi đấy. Mất bao công sức đấy, không phải đơn giản đâu!
- Vâng, thế tốt quá còn gì…
Buông một câu cụt lủn, không hỏi gì thêm, cô quay bước đi về. Bố chồng hình như hơi ngạc nhiên, chưng hửng về thái độ của cô. Chắc cụ nghĩ cô sẽ phải vồ lấy cuốn sổ đó để xem, để thốt lên thèm muốn và ghen tị!!!??? Không thể nào và không bao giờ!
Trong suy nghĩ của cô, chưa bao giờ xuất hiện ý định chuyển hộ khẩu về nhà chồng. Ngay từ khi mới bàn bạc chuyện kết hôn, cô đã nói rõ với anh. Rằng cô sẽ giữ nguyên hộ khẩu ở nhà mình và sau này khi họ có con thì chúng sẽ đăng ký hộ khẩu theo mẹ.
Vì sao à? Đơn giản thôi. Gia đình cô ở ngay tại 1 quận trung tâm bậc nhất của Thành phố, thường người ta vẫn hay gọi đùa là “ngay rốn con rùa”. Gia đình anh thì không. Và đương nhiên, chuyện học hành của trẻ con có hộ khẩu tại những khu vực này chắc chắn sẽ đảm bảo hơn những vùng lân cận khác.
Cô sinh ra, lớn lên và hưởng thụ môi trường giáo dục tại đây. Vậy nên cô cũng mong muốn con cái mình như thế. Chẳng có lý do gì để cô phải chuyển hộ khẩu của mình và của con trong tương lai về một nơi mà cô biết chắc chắn rằng không thể tốt hơn.
Lý lẽ của cô có thể thuyết phục được chồng nhưng không bố chồng thì không. Ông không chấp nhận những suy nghĩ đó. Với ông, đại gia đình phải là một quần thể thống nhất trên mọi phương diện. Không loại trừ trường hợp nào, bất kể lý do nào. Với ông, học ở đâu và học trường nào cũng như nhau.
Cũng với suy nghĩ đó, trước khi kết hôn, ông đã buộc chồng cô phải chuyển đổi hộ khẩu về cùng ông. Hộ khẩu của anh vốn dĩ được đăng ký ở một quận trung tâm, giờ phải chuyển về một quận được coi là sinh sau đẻ muộn, lac hậu hơn rất nhiều. Đầu tiên anh cũng phản đối, vì nhiều lý do nhưng tối hậu thư ông đưa ra là: “Không chuyển, không cưới”!
Chồng cô thì nhượng bộ nhưng cô thì không. Cô chưa bao giờ chấp nhận nổi ý nghĩ tương lai con cái mình sẽ phải theo học ở nơi môi trường, điều kiện giáo dục mà cô cho là kém.
Có người bảo cô thật dại, không chuyển đổi hộ khẩu đồng nghĩa với việc cô không có phần trong gia đình ấy. Rồi còn chuyện đất cat, thừa kế, gia sản… Thật lạ là cô lại chẳng mảy may suy nghĩ gì về chuyện đấy. Với cô, “tương lai con em chúng ta” phải đặt cao hơn những tính toán kia. Cô đã quyết như vậy rồi!
Thế nên, cuốn sổ hộ khẩu kia chẳng làm cô mảy may xúc động. Và cô cũng chả thể tỏ ra hồ hởi, vui mừng như mong muốn của ông cụ. Cô có cái lý của mình và luôn luôn hạnh phúc với nó!
Thật là, con dâu những năm 2000!...