Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

NHƯ NGÀY XƯA

Bất chợt khi dừng đèn đỏ ngã tư trước nhà, tôi ngước nhìn lên. Ngôi nhà tuổi thơ ở đó - nơi bình yên, hạnh phúc.
Vâng, ngôi nhà góc phố Hàng Bông – Đường Thành ấy là của cụ nội tôi - Cụ Mỹ Trương. Trên diện tích gần 200m, ngôi nhà có 3 mặt tiền. Bao nhiêu năm qua, gồng mình với những thăng trầm thời gian, chịu đựng những nhát sơn quét vội của mỗi lần “chỉnh trang” bộ mặt đô thị, ngôi nhà vẫn còn đó. Và vết thương lòng của nội tôi, bố tôi và của cả gia đình vẫn còn đó.
Những năm xa xưa, cụ tôi vốn dĩ là 1 thương nhân đã mua lại ngôi nhà từ phu nhân của 1 quan Pháp. Ngôi nhà 3 tầng, nằm trên diện tích khoảng 200m2, được thiết kế theo kiểu Pháp. Đông ấm, hè mát…
Ngày nhỏ, tôi không có thói quen lê la với những đứa trẻ hàng xóm. Niềm say mê của tôi là chiếc tủ chè đã hỏng cánh với bao nhiêu tấm ảnh đen trắng mà ông nội để lại. Theo lời bà nội, cụ tôi xưa kia mê ảnh. Hiệu ảnh Mỹ Trương, nếu không nhầm thì là một trong những hiệu ảnh đầu tiên của Hà Nội (?). Ông nội tôi cũng vậy, ông thường xuyên chụp ảnh cho cả gia đình. Những tấm ảnh cho tôi biết tất cả. Thời trai trẻ của ông, nét xuân sắc của bà, tuổi thơ của bố và các cô chú. Và thêm nữa, qua những bức ảnh, tôi hình dung được toàn cảnh về ngôi nhà – nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Tầng một mặt phố Hàng Bông là cửa hàng vàng bạc. Dưới lớp ảnh đen trắng đã mờ dần theo thời gian, những món trang sức được gia công tinh xảo vẫn ánh lên sáng loá trong tủ kính. Bà nội tôi đứng đó, áo dài gấm, nụ cười toả nắng. Từ trang phục, đầu tóc đến thần thái đều toát nên cái vẻ Hà Nội không thể nhầm lẫn…
Phía trong, đi qua sân trời là đến gian bếp và khu vực dành cho người giúp việc. Khoảng sân rộng mà khi còn nhỏ bố tôi vẫn thường đạp xe 3 bánh chạy vòng quanh. Những bức ảnh nói rằng, ngày ấy, bố tôi là một công tử. Có vú em luôn đi theo chăm sóc, một bước ra đường là lên xe hơi… Sau này, chưa bao giờ ông kể với tôi về những chuyện ngày xưa ấy. Có thể ông nghĩ những bức ảnh đã nói lên tất cả. Cũng có thể, ông không muốn nhắc lại một thời đã xa lâu lắm…
Tầng hai, hình như chủ yếu là để làm phòng khách. Diện tích mà giờ đây cả nhà tôi đang sinh sống, xưa kia chỉ bày 1 bộ bàn ghế cổ và những chiếc lọ lục bình làm cảnh. Một không gian thênh thang phía sau bức ảnh. Vẫn những chiếc ván sàn gỗ ấy, vẫn khung cửa sổ màu xanh, còn lại thời gian đã mang đi hết, kể cả ông nội tôi…
Trên tầng ba, theo như bố kể thì chỉ làm sân phơi, kho và nuôi chim cảnh, chó cảnh. Đó là một thú vui khác của ông nội… Tất cả mọi ngóc nghách trong ngôi nhà đều rất thân thuộc với bố tôi. Nơi này là hạnh phúc là niềm vui và cũng là nỗi niềm không bao giờ nguôi ngoai của bố…
Sau giải phóng, dù ông tôi đã từng tham gia cách mạng, nhận được rất nhiều huân huy chương, dù bà tôi đã hiến hầu hết của cải, gia đình tôi vẫn phải “xuống thành phần”. Ngôi nhà được nhà nước trưng dụng phần lớn để đưa một số gia đình cán bộ, công nhân vào ở. Cái đó gọi là “công tư hợp doanh” thì phải?? Cả gia đình tôi rút hết lên sống ở tầng hai. Cũng chả được ở cả. Chỗ ăn, chỗ ngủ, bếp núc được tận dụng ở mọi vị trí có thể. Mọi sự thay đổi hoàn toàn…
Chuyện xảy ra như thế vì phải thế. Bánh xe của lịch sử đi qua mà. Ngôi nhà khoác lên mình bộ mặt mới, trách nhiệm mới. Cuộc sống theo thời gian trôi đi, bình lặng và yên ả. Người già rồi cũng ra đi, thanh niên dựng vợ gả chồng, những đứa trẻ ra đời…Chỉ có nỗi buồn của bà tôi, sau bao năm vẫn còn dai dẳng…
Nỗi buồn khi nhìn thấy ngôi nhà tổ tiên để lại ngày càng cũ nát. Những người mới đến chỉ quan tâm đến việc ở. Ngôi nhà không được giữ gìn và tôn trọng. Các gia đình thi nhau cơi nới, sửa chữa để giải quyết vấn đề chật hẹp. Sân chung, lối đi chung hầu như chỉ có gia đình tôi quét dọn. Cả khu nhà chỉ có một khu vệ sinh. Khỏi phải nói là thiếu vệ sinh thế nào, cứ người dọn vào thì người khác lại bày ra. Của chung mà, kệ thôi… Tường nhà mỗi ngày thêm vết nứt vì sức nặng của bao tiện nghi phục vụ cuộc sống của mỗi gia đình. Cầu thang đá sứt mẻ, người già, trẻ con đi lại rất nguy hiểm. Nhưng cứ trát vào, chưa kịp khô thì đã có người đạp lên….
Dưới tầng một, các cửa hàng được cho thuê hết. Biển quảng cáo, đèn hiệu lố nhố che hết vẻ đẹp “mặt tiền” của ngôi nhà. Cảm giác đau xót truyền cả sang tôi khi tận mắt chứng kiến người ta treo một tấm biển hiệu to tướng lấp lên dòng chữ “Mỹ Trương” đắp nổi trên tường nhà. Một cách trẻ con, tôi thấy ghét họ - những kẻ “xâm lăng” và tự nhủ một ngày kia chính tôi sẽ là người hạ tấm biển đó xuống…
Đó là lúc con trẻ, giờ lớn hơn, tôi hiểu đó tất cả là cuộc sống. Cái gì là truyền thống, là cội rễ gia đình, đương nhiên mình sẽ nâng niu, trân trọng. Không thể đòi hỏi mọi người cũng như mình, như gia đình mình được…
Nhưng dù là vậy, tôi vẫn mơ ước hão huyền rằng, sẽ một lần được thấy lại ngôi nhà của ông bà tôi, “như ngày xưa”…!!!

SINH NHẬT DOLPHIN


Ảnh sinh nhật công ty, thần dân Dolphin tung đầy trên FB. Em chỉ pót những ảnh có mặt các blogger khách mời để mọi người chiêm ngưỡng thôi nhe.




Đại gia Minh và các chân dài (à quên có 1 nàng chân ngắn)

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

IM LẶNG


Lên chơi nhà bà ngoại, sau khi bóc 1 miếng vỏ quýt cho Su, tiện tay mẹ vứt xuống sàn bếp (Vì nghĩ rằng tý nữa thể nào mình cũng quét).

30s sau mẹ thấy Su cũng vứt 1 miếng vỏ quýt xuống đất. Dù đã biết là không nên hỏi nữa nhưng mẹ vẫn buột miệng: "Su, sao con vứt vỏ ra sàn thế"

Đôi mắt tròn xoe, chớp chớp trả lời: "Giống mẹ Hằng mà"

Mẹ im lặng, nhìn quanh tìm cái lỗ nẻ để chui xuống!

Đừng phê phán người khác trước khi nhìn lại mình.